Sau chiến tranh thế giới thứ 2, chế độ giáo dục của Nhật cơ bản được chia là 6-3-3-4. Nghĩa là tiểu học 6 năm, trung học cơ sở 3 năm, phổ thông trung học 3 năm, tổng cộng là 12 năm học phổ thông. Sau khi học xong bậc phổ thông thì có thể học lên tại các cơ sở đào tạo bậc cao trong khoảng 4 năm.
Các cơ sở đào tạo mà lưu học sinh có khả năng vào được là: cao học, đại học, cao đẳng, trường chuyên tu, trung cấp chuyên nghiệp. Các cơ sở đào tạo này thuộc 3 hình thức sở hữu: quốc lập, công lập và tư thục.
Trong trường đại học có hệ đại học thông thường và hệ cao học. Khóa trình đại học chính quy thường là 4 năm, riêng y khoa, nha khoa, dược khoa, thú y là 6 năm. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng cử nhân. Hệ cao học gồm có chương trình thạc sĩ (2 năm) và chương trình tiến sĩ (5 năm); chương trình tiến sĩ được chia thành giai đoạn đầu (2 năm) và giai đoạn sau (3 năm). Học viên sau khi hoành thành chương trình thạc sĩ được cấp bằng thạc sĩ, và sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ được cấp bằng tiến sĩ.
Chương trình đại học ngắn hạn thông thường là 2 năm, sau khi hoàn thành sẽ được cấp bằng cao đẳng.
Các loại hình trường đào tạo chuyên biệt có trường trung học phổ thông chuyên, trung học chuyên nghiệp, trung học chuyên tu. LHS là đối tượng được tuyển vào trung học chuyên nghiệp. Học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo 2~4 năm, với trên 1700 giờ học sẽ được cấp chứng chỉ chuyên môn. Trường trung học chuyên nghiệp không phải là cơ sở nghiên cứu như đại học, nhưng đó là một hình thức đào tạo độc đáo, thiết thực cho xã hội. Trong đó, các lĩnh vực như thiết kế, nhiếp ảnh, truyện tranh hay hoạt hình được đào tạo nhiều chuyên ngành hơn đại học.
Các cơ sở đào tạo tiếng Nhật không được coi là bậc đào tạo sau phổ thông mà chỉ là chương trình giáo dục chuẩn bị vào các trường học tại Nhật.